DANH MỤC

  • 02439988959
  • Số 8/24 ngõ 165 đường Cầu Giấy, Hà Nội

Châu Á: Bùng nổ thị trường nhà thông minh

Nhà thông minh là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất, smarthome là ngôi nhà được ứng dụng các công nghệ IT tiên tiến để tạo ra một hệ thống quản lý và điều khiển các thiết bị điện, hệ thống an ninh trong nhà theo 3 cách thức: trực tiếp bằng công tắc cảm ứng, điều khiển từ xa qua laptop, smartphone tablet, điều khiển bằng remote.

Với hệ thống smarthome, chủ nhà có thể điều khiển, quản lý và theo mọi lúc, mọi nơi với kiểu On/Off quen thuộc mà cũng được tích hợp chương trình được cài đặt theo ngữ cảnh (ra ngoài, đi ngủ, party, chăm vườn), lịch trình hay cảm biến tự động. Như vậy sự khác biệt với một ngôi nhà bình thường mà việc điều khiển thiết bị điện đều thực hiện bằng cách thủ công cơ học theo nguyên tắc Mở/Tắt (On/Off) thì Smarthome đã tiến lên một đẳng cấp khác về điều khiển, quản lý thiết bị một cách thông minh hơn rất nhiều.

Hiện nay trên thế giới, công nghệ Smarthome được áp dụng theo 2 cách thức là hệ đi dây dẫn và hệ không dây (wireless) mà trong đó hệ không dây được coi là bước phát triển cao hơn, tiện lợi, dễ thi công lắp đặt và giá thành rẻ hơn rất nhiều.

 

Có thể đạt doanh thu 115 tỷ USD vào năm 2030

Theo dự báo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu AT, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, doanh thu từ cung cấp kết nối cho thị trường smarthome có thể đạt 115 tỷ USD vào năm 2030 và chiếm tới 30% doanh thu thị trường toàn cầu. Đến thời điểm này, thị trường smarthome châu Á có thể sánh “ngang ngửa” với các thị trường smarthome Bắc Mỹ và châu Âu.

Triển vọng kinh tế-xã hội của khu vực châu Á vừa là động lực vừa là cơ hội thúc đẩy thị trường smarthome khu vực có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan được nhận định là top 5 thị trường smarthome phát triển nhất tại châu Á vào thời điểm hiện tại và trong vòng 5 năm tới.

Tại Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng của thị trường tiếp tục gia tăng khi ngày càng có nhiều hộ gia đình Nhật  bị hấp dẫn bởi các giải pháp nhà thông minh trong đó tập trung vào các ứng dụng y tế, theo dõi và chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà. Ngoài ra, người Nhật cũng rất quan tâm đến các ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu khi sử dụng các smarthome.

Cơ hội tăng trưởng thị trường smarthome Trung Quốc được nhận định là lớn hơn Nhật Bản khi hàng loạt các hộ gia đình giàu mới nổi đăng ký sử dụng các giải pháp smarthome để tăng tiện ích cho cuộc sống gia đình. Điều nổi bật là phần lớn giải pháp smarthome tại Trung Quốc được cung cấp và triển khai bởi các nhà sản xuất và cung cấp nội địa.

Trong khi đó, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore được dự báo sẽ tiếp tục có mức thâm nhập smarthome cao trong khu vực khi mà phần lớn các hộ gia đình có thu nhập và nhu cầu kết nối cao sẵn sàng chi tiền để sở hữu các giải pháp smarthome tiên tiến nhất.

Ngoài 5 thị trường chính trên, sau giai đoạn đầu này, Ấn Độ được dự báo cũng sẽ có tên trong top những thị trường smarthome phát triển nhất khu vực châu Á. Có được dự báo này là vì trong thời gian qua, Ấn Độ mạnh mẽ tuyên bố sẽ có 100 thành phố thông minh trên khắp cả nước trong 5-7 năm tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, hạ tầng của các thành phố thông minh này sẽ là tiền đề cần thiết để doanh nghiệp triển khai các giải pháp  nhà thông minh tới các hộ gia đình Ấn Độ vào 1 hoặc 2 năm sau đó.

Được biết, ngay sau khi lên nắm quyền lãnh đạo vào hồi tháng 5/2014, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra nhiều kế hoạch phát triển táo bạo, trong đó có ý tưởng phát triển 100 thành phố thông minh dọc các hành lang giao thông lớn nhằm tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Ấn Độ.

Theo mục tiêu của Chính phủ Ấn Độ, thành phố thông minh sẽ có chất lượng sống tốt hơn, cơ hội việc làm và đầu tư lớn hơn, trong đó công nghệ thông tin và các lĩnh vực công nghệ khác sẽ đóng vai trò chính trong phát triển những thành phố mới này, từ việc phát triển mạng lưới giao thông nhanh, thuận lợi và các hệ thống xử lý chất thải hiện đại, đến phát triển cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin, truyền thông.

Theo kỳ vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, 100 thành phố thông minh này sẽ có đầy đủ các dịch vụ internet, quản trị điện tử cùng cơ sở hạ tầng hiện đại với hệ thống quản lý rác thải, giao thông công cộng…Kế hoạch này cũng nhằm thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm cho hàng triệu người dân nước này.

Với những chuyển động này, châu Á được nhận định là một thị trường smarthome đang phát triển và sẽ bắt kịp tốc độ phát triển của Bắc Mỹ, châu Âu trong giai đoạn 2025-2030.

Nhà thông minh vẫn là một khái niệm “xa và lạ” với phần lớn người dân Việt Nam

Mặc dù công nghệ đã phát triển rất nhanh và thiết bị di động thông minh như smartphone, tablet đã quá phổ biến với người dân nhưng nhà thông minh vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Có 3 nguyên nhân chính khiến nhà thông minh chưa trở thành trào lưu tại Việt Nam: Rào cản về tâm lý; Giá thành đắt đỏ và E ngại về sự phức tạp và thiếu ổn định khi sử dụng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là, khác với thị trường điện thoại thông minh là cuộc chơi của những thương hiệu nước ngoài thì thị trường nhà thông minh các công ty công nghệ Việt Nam lại đang ưu thế trước các thương hiệu đến từ Mỹ và EU.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN